Tin xấu từ "Trái Đất thứ hai" của NASA

Ngày: 24/02/2024 18:10

Thế giới được NASA mô tả như một "Trái Đất khác", sở hữu cảnh quan phức tạp với núi, sông, hồ... rất giống địa cầu vừa được phân tích lần nữa.

Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Astrobiology, dẫn đầu bởi nhà sinh vật học vũ trụ Catherine Neish từ Đại học Western Ontario (Canada), cho rằng "Trái Đất thứ hai" Titan có thể không sống được.

Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì mà NASA từng lập luận. Cơ quan vũ trụ của Mỹ coi Titan là một trong những ưu tiên của các sứ mệnh săn tìm sinh vật ngoài hành tinh, bên cạnh các "mặt trăng sự sống" khác như Enceladus hay Europa.

Ảnh đồ họa mô tả cảnh quan Titan và cú hạ cánh của tàu thăm dò bề mặt Huygens của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), trong sứ mệnh hợp tác với NASA đầu thế kỷ này - Ảnh: ESA/NASA

Ảnh đồ họa mô tả cảnh quan Titan và cú hạ cánh của tàu thăm dò bề mặt Huygens của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), trong sứ mệnh hợp tác với NASA đầu thế kỷ này - Ảnh: ESA/NASA

Titan, Enceladus và Europa đều là mặt trăng của các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời. Titan và Enceladus quay quanh Sao Thổ, trong khi Europa quay quanh Sao Mộc.

Cả ba đều để lộ những bằng chứng về đại dương ngầm có thể chứa đựng sự sống. Ngoài ra, Titan còn sở hữu một bề mặt thú vị với địa hình giống Trái Đất nhất, dù "nước" trong hệ thống sông, hồ trên thiên thể này là methane lỏng.

Ảnh thực có tinh chỉnh màu do tàu vũ trụ NASA chụp mặt trăng Sao Thổ Titan - Ảnh: NASA

Ảnh thực có tinh chỉnh màu do tàu vũ trụ NASA chụp mặt trăng Sao Thổ Titan - Ảnh: NASA

Một khu vực khác của Titan với núi non hiểm trở - Ảnh: NASA/ESA

Một khu vực khác của Titan với núi non hiểm trở - Ảnh: NASA/ESA

Tuy vậy, đại dương ngầm của Titan có chứa nước thực sự, thậm chí còn rất nhiều, gấp 12 lần tổng thể tích các đại dương Trái Đất.

Titan cũng sở hữu vật liệu hữu cơ đã được xác nhận trên bề mặt.

Theo Sci-News, trong nghiên cứu mới, GS Neish và các cộng sự đã cố gắng định lượng phân tử hữu cơ có thể chuyển từ bề mặt Titan xuống các đại dương ngầm, sử dụng dữ liệu từ các hố va chạm.

Cũng như Trái Đất, Titan cũng bị sao chổi và các tiểu hành tinh tấn công liên tục trong suốt lịch sử, đặc biệt là khi "còn trẻ". Từ lâu, lý thuyết cho rằng chúng đồng thời gieo mầm vật liệu hữu cơ đã được ủng hộ.

Tuy nhiên, khác với Trái Đất có sẵn một bề mặt phù hợp cho sự sống, ở Titan, các cú va chạm cũng cần làm tan chảy bề mặt băng giá, tạo ra các vùng nước lỏng có chứa vật liệu hữu cơ, để rồi chìm dần xuống qua lớp băng và đến với đại dương.

Sử dụng tỉ lệ tác động giả định lên bề mặt Titan, các nhà khoa học đã ước tính bản chất, quy mô của các cú va chạm, thứ giúp dự đoán tốc độ dòng nước mang chất hữu cơ xuống được đại dương ngầm.

Ở các thế giới xa Mặt Trời như Titan, bề mặt thường quá lạnh giá, khắc nghiệt, nên đại dương ngầm được làm ấm bởi hệ thống thủy nhiệt, thủy triều... mới là nơi thích hợp để sự sống được gieo mầm.

Kết quả cho thấy với cấu trúc của mặt trăng này, trọng lượng chất hữu cơ được vận chuyển xuống khá nhỏ, không quá 7.500 kg/năm glycine, loại axit amin đơn giản nhất cấu thành protein sự sống.

Vật liệu hữu cơ với tổng trọng lượng chỉ bằng một con voi lớn được thả vào một vùng nước thể tích gấp 12 lần đại dương Trái Đất là quá nhỏ.

Do vậy, đại dương với nồng độ quá loãng các vật liệu sự sống sẽ khó để các phản ứng tạo ra sự sống phát sinh, như những gì từng xảy ra trên Trái Đất.

Bề mặt khu vực sa mạc của Titan trong bức ảnh đồ họa có sự hiện diện của Dragonfly, tàu vũ trụ dạng chuồn chuồn mà NASA định phóng năm 2027 với sứ mệnh đổ bộ Titan - Ảnh: NASA

Bề mặt khu vực sa mạc của Titan trong bức ảnh đồ họa có sự hiện diện của Dragonfly, tàu vũ trụ dạng chuồn chuồn mà NASA định phóng năm 2027 với sứ mệnh đổ bộ Titan - Ảnh: NASA

Tất nhiên, nghiên cứu này cũng vẫn là một trong các lập luận trong vô số nghiên cứu nhắm vào thế giới thú vị mà các tàu NASA và ESA đã "chăm sóc" kỹ lưỡng nhiều năm qua. Nhiều công trình ủng hộ khả năng sống của Titan, và cũng có một số phản bác.

Để có câu trả lời cuối cùng, chúng ta có lẽ sẽ phải chờ NASA, ESA hay các cơ quan vũ trụ lớn khác trên thế giới thực hiện một sứ mệnh săn sự sống trực tiếp.

Theo Anh Thư

Tin nóng hằng ngày

7 mẹo sử dụng iPhone từ cựu nhân viên Apple, không phải ai cũng biết

7 mẹo sử dụng iPhone từ cựu nhân viên Apple, không phải ai cũng biết

iPhone luôn sở hữu những tính năng thú vị nhưng ít được người dùng biết đến.

Edu tiết lộ kế hoạch mua sắm của Arsenal

Edu tiết lộ kế hoạch mua sắm của Arsenal

Giám đốc thể thao của Arsenal, Edu, cho biết câu lạc bộ đã lên kế hoạch chuyển nhượng mùa hè 2024 kể từ tháng 1.

Xavi đòi Barca trả đủ tiền bồi thường cho ban huấn luyện

Xavi đòi Barca trả đủ tiền bồi thường cho ban huấn luyện

Xavi đã yêu cầu Barcelona trả toàn bộ tiền bồi thường hợp đồng cho ban huấn luyện của ông sau khi bị câu lạc bộ sa thải.

Xuống giếng cứu em, 2 anh em tử vong vì ngạt khí

Xuống giếng cứu em, 2 anh em tử vong vì ngạt khí

Hai anh em ruột ở Đắk Lắk tử vong dưới giếng do bị ngạt khí khi nạo vét giếng để lấy nước.

Sà lan chở đá đâm lệch nhịp cầu Mang Thít ở Vĩnh Long

Sà lan chở đá đâm lệch nhịp cầu Mang Thít ở Vĩnh Long

Sà lan chở 960 tấn đá tông lệch nhịp cầu Mang Thít trên quốc lộ 53, cơ quan chức năng cấm ôtô tải 2,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ lưu thông để đảm bảo an toàn.

Sai lầm lớn nhất của Ten Hag tại Man United

Sai lầm lớn nhất của Ten Hag tại Man United

Vẫn đang chờ quyết định từ giới chủ, HLV Erik ten Hag mới đây đã bị chỉ ra sai lầm lớn tại Man United, qua chia sẻ của huyền thoại Marco Van Basten.